I. Quyết định thành lập:
Ban Chỉ huy được thành lập từ năm 1978 tại Quyết định số 206/QĐ-UB ngày 16 tháng 10 năm 1978 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh với tên gọi là Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão Thành phố. Trong quá trình hoạt động, Ban được kiện toàn nhân sự và phân công nhiệm vụ hàng năm. Đến năm 2010, Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành Quyết định số 2631/QĐ-UBND ngày 17 tháng 6 năm 2010, theo đó kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão Thành phố thành Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố.
Thực hiện Luật Phòng, chống thiên tai ngày 19 tháng 6 năm 2013 và Nghị định số 66/2014/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai; Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành Quyết định số 739/QĐ-UBND ngày 14 tháng 02 năm 2015 về việc thành lập Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố Hồ Chí Minh.
II. Cơ cấu tổ chức:
1. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố hiện tại có 36 thành viên, trong đó:
a) Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố làm Trưởng ban.
b) Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố làm Phó Trưởng ban thường trực.
c) Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thành phố làm Phó Trưởng ban phụ trách công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ do thiên tai gây ra trên địa bàn Thành phố.
d) Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Thành phố làm Phó Trưởng ban phụ trách công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ do thiên tai gây ra trên biển, vùng ven biển Thành phố.
đ) Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường làm Phó Trưởng ban phụ trách công tác phòng, khắc phục hậu quả động đất, sóng thần.
e) Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Phó Trưởng ban phụ trách công tác phòng, chống thiên tai.
g) Các Ủy viên gồm đại diện là lãnh đạo các Sở, ngành, địa phương của Thành phố: Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố (Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão), Công an Thành phố, Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy Thành phố, Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng, Sở Công thương, Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Văn hóa và Thể thao, Hội Chữ thập đỏ Thành phố, Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước Thành phố, Lực lượng Thanh niên xung phong Thành phố, Thành Đoàn, Đài Truyền hình Thành phố, Đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố, Cảng vụ Hàng hải Thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố, Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố, Tổng Công ty Điện lực Thành phố-TNHH, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Quản lý khai thác dịch vụ Thủy lợi Thành phố, Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi Thủy sản.
2. Các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố làm việc theo chế độ kiêm nhiệm và được sử dụng cán bộ, công chức, viên chức, bộ máy của đơn vị để giúp việc nhằm hoàn thành nhiệm vụ theo phân công của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố.
3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là Cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố.
4. Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão (trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đảm nhận vai trò Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố, làm nhiệm vụ giúp việc, tham mưu cho Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố trong công tác phòng, chống, ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn do thiên tai gây ra trên địa bàn Thành phố.
5. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố có con dấu riêng, được cấp kinh phí từ ngân sách và mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước để hoạt động theo quy định của pháp luật.
III. Nhiệm vụ của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố:
1. Tham mưu giúp Ủy ban nhân dân Thành phố thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống, ứng phó thiên tai như sau:
a) Tổ chức phổ biến, tuyên truyền và triển khai thực hiện pháp luật về phòng, chống thiên tai;
b) Xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch, phương án phòng, chống và ứng phó thiên tai trên địa bàn Thành phố; tổ chức việc chuẩn bị nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm và tổ chức diễn tập theo phương án được duyệt;
c) Tổ chức thực hiện việc lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố;
d) Quản lý thực hiện quy hoạch xây dựng khu đô thị, điểm dân cư nông thôn, công trình hạ tầng kỹ thuật và quy hoạch sản xuất thích ứng với đặc điểm thiên tai trên địa bàn Thành phố, bảo đảm mục tiêu luôn phát triển bền vững;
đ) Kiểm tra, đôn đốc việc dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm, hóa chất xử lý nước, thuốc chữa bệnh, phòng dịch, phương tiện, vật tư và trang thiết bị theo Phương châm “bốn tại chỗ” để chủ động ứng phó khi thiên tai xảy ra;
e) Xây dựng, tu bổ, nâng cấp và quản lý, bảo vệ công trình phòng, chống thiên tai trên địa bàn Thành phố;
g) Tổ chức thường trực, chỉ huy công tác ứng phó thiên tai; tổng hợp, thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra;
h) Chỉ đạo, tổ chức thực hiện biện pháp bảo vệ sản xuất khi xảy ra thiên tai để giảm nhẹ thiệt hại, nhanh chóng phục hồi sản xuất;
i) Tổ chức quản lý, phân phối tiền, hàng cứu trợ khẩn cấp của Nhà nước, tổ chức và cộng đồng để ổn định đời sống, phục hồi sản xuất và khắc phục hậu quả thiên tai theo quy định của pháp luật;
k) Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống thiên tai theo thẩm quyền;
l) Tổ chức quản lý, thu – chi và sử dụng Quỹ Phòng, chống thiên tai theo đúng quy định của pháp luật.
2. Chỉ huy ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trong thiên tai trong phạm vi địa bàn Thành phố.
3. Kiểm tra, đôn đốc các Sở - ban - ngành, đơn vị Thành phố; các cơ quan trú đóng trên địa bàn Thành phố và các địa phương thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong thiên tai./.